Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Bosnia - nơi bóng đá hàn gắn vết thương chiến tranh

Asmir Begovic – thủ môn của Stoke City – phải theo gia đình rời Bosnia từ khi còn rất nhỏ. Họ di cư sang Đức, tìm kiếm sự bình yên khi quê nhà chìm trong khói lửa chiến tranh những năm đầu thập niên 90.



Begovic không phải là trường hợp duy nhất. Hơn một nửa số cầu thủ quốc tịch Bosnia-Hercegovina đang chuẩn bị góp mặt trong kỳ World Cup đầu tiên hè năm nay được sinh ra và lớn lên tại nước ngoài. Họ là phần nhỏ trong một triệu trẻ em đã phải di cư để thoát khỏi những tổn thương do xung đột vũ trang gây ra. Hơn 100.000 người dân ở lại đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tôn giáo và sắc tộc.


Begovic, cũng như Bosnia, đều bước đi trên một con đường thật dài. Và giờ đây với một đội hình non trẻ của lứa cầu thủ chỉ chớm đôi mươi, họ có chung một niềm hy vọng sẽ vực lại hình ảnh đất nước mình bằng một màn trình diễn ấn tượng trong 32 ngày nóng bỏng sắp tới trên xứ Samba.




begovic-2819-1401504412.jpg

Thủ thành Begovic.


 “Tôi không có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Chúng tôi đã ra đi khi tôi mới bốn tuổi, thế nên thật khó có thể hồi tưởng lại cuộc sống của tôi ở đó, nhưng ra đi là lựa chọn tốt nhất cho tương lai”, Begovic chia sẻ trên BBC Sport.


“Tất nhiên tôi luôn nỗ lực giáo dục bản thân mình về cuộc chiến, cũng như trò chuyện với người thân trong gia đình thật nhiều để có thể thấu hiểu được những gì mọi người đã phải trải qua.


Họ đã quyết định rời khỏi đất nước ngay khi chiến tranh nổ ra. Đó là một khoảng thời gian thật khó khăn cho mọi người, khi bỏ hết mọi thứ lại sau lưng và bắt đầu một cuộc sống mới. Nếu chưa từng nếm trải qua những tháng ngày đó, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ hình dung được nó thực sự diễn ra thế nào”.


Hành trình của Begovic đã đưa anh từ Trebinje ở Hercegovina tới nước Đức, tới Canada, tới Stoke, và chỉ ít ngày nữa thôi sẽ tới được Brazil.


Sự chia rẽ về chính trị và địa lí thay phiên nhau hủy hoại Bosnia. Vào tháng 5, Tòa thị chính Sarajevo – nổi tiếng với vụ ám sát Thái tử Archduke Franz Ferdinand, châm ngòi cho chùm sự kiện dẫn đến Thế chiến thứ nhất – đã được mở cửa trở lại sau hơn 20 năm bị tàn phá trong cuộc chiến tại Bosnia. Lạc quan mà nói, đây có thể là biểu tượng tượng trưng cho một tương lai tươi sáng sẽ nhanh chóng được ổn định sau “cơn đại hồng thủy” tồi tệ nhất nhấn chìm đất nước suốt hơn một thế kỷ


Có lẽ sự xuất hiện của một đội tuyển bóng đá sẽ thực sự là niềm tự hào, đồng thời là tín hiệu báo trước cho một chương mới đang được viết nên trong nền lịch sử bị đứt gãy của đất nước.


“Họ là niềm hy vọng tuyệt đối”, Mirza Subasic – phóng viên thể thao của trang mạng Sportzdk - nhận xét.


“Việc chúng tôi được đại diện cho quốc gia tham dự World Cup là tin tức trọng đại nhất với tất cả người dân Bosnia thời gian này”, Begovic chia sẻ. “Lý do duy nhất mà các bạn biết đến chúng tôi là bởi chiến tranh, hoặc có thể là Thế vận hội mùa Đông năm 1984 được tổ chức tại Sarajevo.


Đội tuyển đã nối kết chúng tôi lại với nhau và mang đến cho chúng tôi ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Những người Bosnian Serbs, Bosnian Croats và Bosniaks sát cánh bên nhau cùng ủng hộ cho đội bóng, và cùng nói những điều tích cực về đất nước nhỏ bé xinh đẹp của chúng tôi từ những miền đất khác nhau ở châu Âu. Với chúng tôi, được tham dự World Cup là một điều ngoạn mục”.




bosnia-8518-1401504412.jpg

Cả đất nước Bosnia đang trở nên đoàn kết hơn khi đội tuyển giành suất dự World Cup 2014.


Begovic đã lọt vào danh sách rất ít các thủ môn từng ghi bàn tại Premier League mùa giải này, bằng bàn thắng từ khoảng cách 80m trong cuộc đối đầu với Southampton vào tháng 11/2013.


“Tất cả chúng tôi đều vô cùng tự hào về Tổ quốc mình, và dù ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng đều đang sống và được nuôi dạy như những người Bosnia thực thụ. Tiếng Bosnia cũng là ngôn ngữ giao tiếp chính của chúng tôi với nhau”, thủ thành của Stoke cũng khẳng định về sự gắn kết của các cầu thủ trong đội tuyển Bosnia.


“Đây quả thực là một câu chuyện hấp dẫn bởi chúng tôi được gọi về từ khắp mọi miền trên thế giới. Tôi đoán bạn có thể gọi chúng tôi là thế hệ vàng, một thế hệ những cầu thủ được nuôi dạy trong những môi trường hoàn toàn khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu, chung một đất nước.


Quốc gia chúng tôi đã mong đợi điều này rất lâu, và chúng tôi đã để thua Bồ Đào Nha trong các trận play-off cả mùa World Cup 2010 lẫn Euro 2012. Do vậy, cuối cùng cũng có được ngày hôm nay thực sự là một điều tuyệt vời”.


“Thế hệ vàng” của Bosnia mà Begovic nhắc đến có “một trong những chân sút xuất sắc thế giới” Edin Dzeko của nhà đương kim vô địch nước Anh Man City và Vedad Ibisevic hiện thi đấu cho Stuttgart – cầu thủ được người đồng đội cùng đội tuyển nhận xét là “không thua kém gì Dzeko”. Bộ đôi tiền đạo này đã ghi tổng cộng 18 bàn thắng cho Bosnia trong loạt trận vòng loại World Cup 2014.


Cùng với đó là tiền vệ Miralem Pjanic (Roma) và hậu vệ cánh trái Sead Kolasinac (Schalke) đang lọt vào tầm ngắm của Man Utd để chuẩn bị thay thế cầu thủ gạo cội Patrice Evra. Dành những lời tốt đẹp nhất cho người đồng đội, Begovic nhận xét về Kolasinac “là một hậu vệ cánh tuyệt vời có thiên hướng tấn công”.




dzeko-7483-1401504412.jpg

Dzeko (số 11) là ngôi sao sáng nhất của Bosnia.


Mùa hè năm nay tại Brazil, Bosnia-Hercegovina thuộc bảng F cùng với Argentina, Nigeria và Iran. Bắt đầu chiến dịch chinh phục cúp vàng thế giới 2014, Begovic và các đồng đội đã phải chạm trán với đội bóng của Lionel Mesi trên SVĐ Maracana. Đây được dự đoán sẽ là một trận đấu vô cùng khó khăn dành cho đại diện đến từ phía Đông Nam châu Âu.


“Không có bất kỳ đội bóng nào cùng bảng đấu xuất sắc hơn chúng tôi. Tôi hiểu rất rõ các đồng đội của mình, chúng tôi thi đấu cả đời vì mục tiêu được có mặt tại World Cup. Được đá trận mở màn với Argentina là tất cả những gì chúng tôi cần”, Begovic tỏ ra lạc quan. “Đó sẽ là những khoảnh khắc đặc biệt, không chỉ với riêng các cầu thủ trong đội bóng mà còn có ý nghĩa với toàn bộ người dân đất nước chúng tôi. Bảng F là một bảng đấu khó, nhưng chúng tôi sẵn sàng đương đầu trước mọi thách thức. Sức mạnh của chúng tôi đến từ sự lạc quan và khả năng ghi bàn”.


Tháng 10 năm ngoái, có hơn 100.000 cổ động viên đã ngồi đợi suốt đêm tại Sarajevo để được gặp các cầu thủ Bosnia sau khi họ giành chiến thắng trước Lithuania ngay trên sân khách, mở toang cánh cửa đến Brazil để dự vòng chung kết World Cup 2014.


Chính sự hậu thuẫn của “những cầu thủ số 12″ đã tiếp thêm nguồn sinh khí cho Begovic. Anh cho biết bằng nhiều cách khác nhau, có khá đông CĐV Bosnia sẽ có mặt tại Brazil để trực tiếp cổ vũ cho anh cùng các đồng đội.


“Thật ngạc nhiên, thật khó tả, chiến tranh thường đồng nghĩa với việc tan đàn xẻ nghé, người dân sống rải rác trên khắp thế giới. Vì vậy, dù thi đấu tại bất kỳ nơi đâu, chúng tôi đều có cảm giác như đang được đá trên sân nhà”, anh nói.


“Toàn đội bóng hết sức bất ngờ khi các cổ động viên lặn lội từ rất nhiều nơi để cổ vũ chúng tôi thi đấu. Ngay cả trên đất Mỹ, nơi chúng tôi đang có ba trận đấu giao hữu, cũng có hàng ngàn khán giả người Bosnia đến sân vận động. Họ có niềm đam mê và tinh thần dân tộc mãnh liệt đến cháy bỏng. Chúng tôi quyết tâm sẽ thi đấu thật tốt để các cổ động viên có quyền tự hào về đội bóng mà họ đã hết lòng ủng hộ”.


Lục Vũ





Thể thao – VnExpress RSS



Bosnia - nơi bóng đá hàn gắn vết thương chiến tranh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét