Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Phong cách lái kinh điển của các nhà vô địch F1 (phần II)

Sau phân tích về hai huyền thoại của thời quá vãng Senna và Schumacher, kỳ này chúng ta hãy xem xét phong cách thi đấu đặc biệt làm nên thành công của các ngôi sao đương đại.



Fernando Alonso là một tay lái có phong cách đạp phanh khá mạnh. Anh thường kết hợp một chút giữa hai thao tác đạp phanh-đánh lái, khác với quy tắc đạp phanh rồi mới đánh lái như trong bài học vỡ lòng về môn đua xe. Sau đó, Alonso nhả hết phanh cũng như nhanh chóng khóa bánh thật mạnh. Điều này sẽ ngăn chặn các bánh trước tạo ra một cú văng đầu không chính xác cho xe. Đôi khi bánh trước bám đường tốt hơn so với Alonso tính toán và với việc bị khóa mạnh, các bánh trước sẽ gây ra tình trạng mất kiểm soát đột ngột cho bánh sau. Lúc này Alonso làm xe văng đuôi để tạo sự kết hợp hài hòa giữa hai cầu xe. Tay đua người Tây Ban Nha ưa thích phong cách understeer (văng đầu), hiện tượng này xuất hiện ở phần lớn mọi khúc cua và có thể sử dụng chân ga để giữ cân bằng cho xe. Và những chiếc Ferrari của anh đều được thiết đặt ở chế độ cho phép văng đầu tối đa nhằm đáp ứng thói quen này.


Những xe đua của Renault giai đoạn từ 2003-2006 có phần đuôi xe nặng hơn càng tạo thêm hiệu quả cho cách lái của Alonso. Anh đã hai lần liên tiếp vô địch thế giới trong quãng thời gian này.




f1-6676-1401531644.jpg

Alonso ưa chuộng phong cách lái văng đầu xe. Ảnh: BBC.


Kỹ thuật trên cho phép Alonso thực hiện khi xe có động lượng lớn, khiến chiếc xe rất linh hoạt mà tránh khỏi những ảnh hưởng của việc bị văng đuôi mạnh. Phương pháp này khá ổn định, làm chiếc xe trở nên dễ bảo ở giai đoạn đầu trước các khúc cua và không làm lốp sau bị mòn nhiều. Phong cách lái của Alonso cũng gần tương tự Massa, nhưng anh không đạp phanh sớm hơn một chút và không mạnh bằng cựu đồng đội người Brazil.


Ngoài ra, nó cũng giúp Alonso giảm tối đa những tác động tiêu cực của đặc tính làm nóng lốp trước sự chậm trễ ở các xe đua Ferrari đời 2010 và 2011. Lý do là bởi anh không thực sự cần các bánh trước bám đường tối đa – điều chúng đạt được khi đủ nhiệt, miễn là khi vào cua Alonso điều khiển được các bàn đạp ga và phanh ở góc độ hợp lý.


Lực đạp phanh của Sebastien Vettel cũng như Alonso nhưng tay lái người Đức không điều khiển vô lăng mạnh mẽ như tay đua của Ferrari. Vettel thường vào cua ở tốc độ lớn hơn nhiều so với các tay lái còn lại, vào đến giữa khúc cua anh bắt đầu tạo ra một cú trượt và bánh sau bắt đầu mất kiểm soát. Theo logic sau đó Vettel sẽ lao thẳng ra bãi sỏi…


Nhưng không, trong quá khứ, với hệ thống khí xả giúp cải thiện lực nén phía sau rất hiệu quả của Reb Bull, Vettel thường hướng mũi xe vào trước và sau đó tận dụng văng đuôi để xoay chiếc xe vào đúng làn đường. Chính từ dòng khí xả này mà sau khi thoát cua Vettel có thể đạp ga rất mạnh mẽ mà không lo bị trượt bánh, bởi nó chế ngự được cú trượt của chiếc xe. Thực ra thực hiện điều này không đơn giản, nhưng Seb thích ứng tốt hơn rất nhiều so với đồng đội Mark Webber.




f2-7459-1401531644.jpg

Vettel kết hợp rất tốt với hệ thống khí xả từ động cơ của xe Red Bull. Ảnh: AFP.


Đầu năm 2012, do một số thay đổi về luật, phần lớn lợi thế này biến mất và Vettel cũng không còn áp đảo Webber như trước nữa. Nhưng ở nửa cuối mùa đua, xe Red Bull không chỉ tạo ra nhiều lực nén về phía sau thông qua việc thiết kế lại thân xe, mà còn giới thiệu một hệ thống treo sau kiểu mới giúp họ đặc biệt nhanh khi qua các khúc cua tốc độ thấp.


Lewis Hamilton là một tay đua có phong cách phanh muộn, theo kiểu các tay lái truyền thống. Thói quen này hình thành nên từ cảm giác tuyệt vời với bàn đạp phanh của anh. Cảm giác này của nhà vô địch thế giới năm 2008 xuất xắc đến nỗi anh biết cách khóa bánh xe mà không làm tổn thương chúng.




f3-5783-1401531644.jpg

Hamilton là bậc thầy trong quá trình phanh. Ảnh: Formula 1.


Trên đường đua, ở mỗi khúc cua thường có hai chọn lựa vệt đường cho tay lái, là vêt đường hình học và vệt đường lý tưởng. Hamilton thường thích chạy qua vệt đường hình học hơn. Anh cũng lao vào khúc cua với một tốc độ rất cao, tốc độ này sẽ khiến bánh sau mất kiểm soát. Nhưng vì Mercedes không tạo ra được hệ thống khí xả tạo lực nén cho Hamilton tốt như Vettel có được nên bánh sau của Hamilton bị trượt nhiều hơn và dĩ nhiên khiến anh mất nhiều thời gian hơn. Nhờ cảm giác tinh tế của mình, Hamilton triệt tiêu tối đa được mặt tiêu cực của phong cách này. Anh tiến tới khúc cua sớm hơn và nhờ việc tận dụng văng đuôi, Hamilton tạo ra nhiều động lượng hơn hầu hết các tay lái khác, ngoài trừ tốc độ vào cua có thua kém Vettel.


Hamilton rất mạnh tại Canada, nới diễn ra Grand Prix tiếp theo vào tuần sau. Được ví như là người có giác quan thứ sáu trong quá trình phanh, phong cách lái của Hamilton được đánh giá là hoàn hảo bất chấp mọi thay đổi trên chiếc xe. Rất khó để tìm ra một nơi là điểm yếu của Hamilton, anh đã lên podium ở tất cả những trường đua trong sự nghiệp, ngoài trừ cuộc đua tại Ấn Độ.


Phan Duy





Thể thao – VnExpress RSS



Phong cách lái kinh điển của các nhà vô địch F1 (phần II)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét